Ở bang Illinois có gia đình Baker nổi tiếng, được mọi người biết đến nhờ vào sự... đông đảo của mình, với 14 thành viên gồm bố mẹ và 12 con. Ông bà Tom (Steve Martin) và Kate (Bonnie Hunt) sau khi gặp nhau tại đại học là "mở máy"... đẻ sòn sòn hết đứa này đến đứa khác. Con gái lớn Nora (Piper Perabo) đã 22 tuổi, còn cặp song sinh Nigel và Kyle út ít mới lên 6, tiểu đội nhà họ rải đều tất cả các cấp của học đường, từ lớp thấp nhất tiểu học đến năm cuối đại học.
Với từng ấy miệng ăn đừng hy vọng kinh tế gia đình khấm khá, cũng chẳng mong ngẩng mặt với đời. Bạn bè Tom thăng tiến vùn vụt, còn ông đành chấp nhận vùi sự nghiệp vào cái chức danh làng nhàng: huấn luyện viên đội bóng bầu dục trường trung học Lincoln, một đội bóng tranh giải hạng 3. Kate thì suốt ngày chúi mũi vào bếp hoặc chăm lo con cái, tham vọng làm biên tập viên gác lại để dành thời gian cho việc... biên tập đồ đạc trong nhà. Lũ trẻ cả trai lẫn gái phá phách như quỷ, lơ là một chút, nhà chúng biến ngay thành bãi chiến trường.
Trước kia gia đình họ ở Chicago, khi mới có 3 đứa con đầu Tom quyết định dời về quê tại Midland vì không chịu nổi giá sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố lớn. Về đấy họ "đúc" thêm 9 đứa, có đến hai cặp song sinh. Suốt mười mấy năm ở Midland nỗi lo cơm áo tối mày tối mặt nhưng đâu thể dập tắt hoài bão trong lòng họ. Tom vẫn mơ ước có ngày được thử sức với một đội bóng lớn hơn, danh tiếng hơn cho xứng tầm với tài năng của mình. Còn Kate lúc rảnh là ngồi viết sách, đề tài thiết thực và hấp dẫn nhất chính là gia đình "vĩ đại" của bà. Ồn ào, náo nhiệt, hay tranh cãi, lắm ý kiến, đôi khi hữu sự nhưng hoàn toàn hạnh phúc, mọi thành viên đều yêu thương gắn bó với gia đình lẫn thị trấn nhỏ bé quê hương. Vợ chồng Tom chỉ phiền một chút về Nora. Nó yêu Hank, một gã trai tự phụ rỗng tuếch, tập tễnh làm diễn viên, mới đóng sô quảng cáo nước súc miệng đã coi trời bằng vung. Vì Tom không muốn con gái rước bồ về ăn ngủ tại nhà nên nó tức khí bỏ lên Chicago với "thần tượng" của mình.
Cái ngày gặp lại Shake Maguire, bạn học cũ, là dịp may hiếm có của Tom, nhưng là nỗi buồn của cả nhà. Ông bạn mời Tom về Chicago làm huấn luyện viên cho Stallions, đội bóng danh giá của giải hạng nhất, thuộc trường đại học nơi ông từng chơi bóng thời sinh viên. Thuyết phục vợ quá dễ, chinh phục "tiểu đội" con lại khó hơn leo núi tuyết. Chúng có cả trăm lý do để bám lấy Midland, Charlie sợ phải xa cô bồ Beth, cậu bé Mark lo con ếch Beans không được "thăm nom" mộ mẹ của nó, những đứa khác thì chẳng muốn đổi trường thay bạn... Chúng đồng lòng phản ứng, yêu cầu biểu quyết, Tom dùng loa phóng thanh mới ổn định được trật tự. Ngoài ba phiếu tán thành di chuyển, số còn lại là "No" hay lưỡng lự. Ông bố phải xài chiêu tẩy xóa phiếu và hứa hẹn "đổi đời" để khuất phục lũ trẻ. Ngày cả nhà ra đi thật sầu thảm, đến con chó Gunner cũng không muốn rời xa chốn cũ...
Họ đến Evanston, ngoại ô Chicago, nơi ở mới được cấp là một tòa nhà xinh đẹp bề thế hơn nhà cũ nhiều. Vừa tranh giành vị trí "định cư" xong là bọn trẻ lại nắm tay nhau bước vào trường học, đề phòng sự tấn công của các học sinh "quá khích" thích bắt nạt "ma mới". Những vụ việc nho nhỏ xảy ra khi tiếp khách láng giềng, khi chào đón chị Nora và anh bồ Hank về chơi, hay trận kịch chiến để bảo vệ lẫn nhau của lũ trẻ... là những tình tiết khắc họa tính cách của đám con nhà Baker, để có thể khẳng định chúng là những đứa trẻ thông minh, tinh nghịch, không chấp nhận sự giả dối, nội bộ hay tranh cãi hục hoặc nhưng đối ngoại rất đoàn kết, đồng lòng.
Mới ổn định cuộc sống thì nhận được tin vui, cuốn tự truyện của Kate được một nhà xuất bản ở New York đồng ý in ấn, bà phải lên đấy quảng bá phát hành. Kate ra đi, Tom hứa với vợ cứ yên tâm việc nhà, ông quán xuyến ngon lành... Vợ mới ra khỏi cửa, tất cả nháo nhào, chuyện công tư với cơ man sự kiện lẫn sự cố làm Tom cảm nhận sự thiếu vắng bàn tay phụ nữ đã giúp ông hiểu thế nào là ác mộng.
Ngày Mark bỏ đi như một thử thách lớn cho cả nhà, làm họ thấm thía chất thiêng liêng của huyết thống và đoan chắc tình thương yêu là men kết dính tốt nhất của gia đình.
Bộ phim dựa vào một cuốn tự truyện ra đời đã lâu nhưng dàn dựng lại theo phong cách hiện đại. Là câu chuyện tình cảm hay, vui nhộn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trình diễn 12 khuôn mặt với tuổi tác, trình độ, nhận thức lẫn trạng thái tâm sinh lý hoàn toàn khác biệt nhau trong một đề tài đòi hỏi việc kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa của các nhân vật, rất may ta không tìm thấy sự so le, khập khễnh hay chưa khớp rơ nào đáng kể.
Ông bà Tom và Kate "trời phú" cho khả năng mắn đẻ, vì chăm lo đàn con mà họ hy sinh hết thảy công sức, tiền bạc lẫn sự nghiệp của mình. Có thể đó là bản năng thường tình của bậc làm cha mẹ, nhưng cái nổi trội của họ mà ta không thể bỏ qua là cách dạy dỗ giáo dục con cái. Chúng được phát triển tự nhiên theo sở thích cá tính, không gò ép khuôn sáo, không rào giữ nhốt lồng nhưng luôn được uốn nắn nhắc nhở, nhỏ thì chơi nhiều, lớn thì định hướng. Là sản phẩm của không nguyên tắc mà thành nguyên tắc, thiếu bài bản lại hóa bài bản hay, đám trẻ đều hình thành tính cách, yêu ghét rõ ràng, sống chung thủy, trọng ký ức, nặng tình với chốn cũ người xa. Đối lập với họ là gia đình con một hàng xóm, cậu bé Dylan nhà ấy sau này khó thành người toàn diện. Chính điều đó làm nổi lên phản đề "Đẻ nhiều nuôi dạy tốt còn hơn đẻ một nuôi dạy sai" từ một quan niệm ngược lại của xã hội. Khi gia đình gặp sự cố mới thấy 12 đứa con nhà Baker đáng yêu biết nhường nào.
Cuối cùng có lẽ họ không "đổi đời" ngay được, nhưng đổi làm gì nữa, họ đã có tất cả sự "giàu có" của cuộc sống. Đó là hạnh phúc, tình thương cùng một "tiểu đội" đã và đang khôn lớn trưởng thành.
No comments:
Post a Comment